00:53 13/12/2021     1822

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 còn có nhiều diễn biến phức tạp, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch và nhiệm vụ năm học 2021-2022, đồng thời đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh, Ngành GD-ĐT Hà Nội triển khai phương án tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến từ ngày 06/9/2021.

Việc dạy học theo hình thức trực tuyến sẽ giúp giáo viên phát huy được những lợi thế về ứng dụng CNTT vào giảng dạy, khai thác được nguồn học liệu sẵn có trên mạng Internet. Đối với học sinh, các em sẽ được rèn luyện tính tự giác trong học tập, chủ động nghiên cứu bài học trong sách giáo khoa, tìm tòi, nghiên cứu kiến thức từ các thư viện trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến sẽ đảm bảo tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, cũng như bảo vệ được sức khỏe cho thầy và trò.

Bên cạnh những thuận lợi trong việc áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại, tạo cơ hội cho thầy - trò được hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thầy và trò cũng gặp không ít khó khăn và bất cập:

1. Do phải thực hiện các biện pháp dãn cách trong phòng chống dịch nên số lượng người dùng internet tăng cao, dung lượng đường truyền của các nhà mạng không đáp ứng được nhu cầu của người dùng, nhất là khi học sinh tham gia học trực tuyến.

2. Phần lớn giáo viên đã quen với không gian truyền thụ kiến thức trực tiếp trước học trò, khi dạy học trong không gian trực tuyến, nhiều thầy cô còn lúng túng hoặc không tự tin khi thực hiện bài giảng; một số thầy cô còn hạn chế về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn khi thao tác với các bài giảng ứng dụng công nghệ mới.

3. Nội dung chương trình khi thực hiện dạy học trực tuyến phần lớn nội dung thí nghiệm, thực hành đều giảm tải, tập trung chủ yếu vào kiến thức lý thuyết và hướng dẫn học sinh giải bài tập. Vì vậy, các nội dung kiến thức thực nghiệm và kỹ năng thực hành của học sinh bị hạn chế rất nhiều.

4. Đa số học sinh đều có khả năng thích ứng với phương pháp học trực tuyến, có thể kết nối với thầy cô để tham gia lớp học online, khai thác các bài giảng, nguồn học liệu mở. Tuy nhiên, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện trang thiết bị, đường truyền internet tại gia đình chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là đối với những gia đình đông con, không có điều kiện mua sắm thiết bị. Đối với những học sinh ý thức tự giác chưa cao, nếu không có sự giám sát chặt chẽ của gia đình và giáo viên thì chất lượng và hiệu quả của dạy học trực tuyến sẽ không cao.

5. Quá trình dạy và học cần có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Nếu giáo viên không nghiên cứu kỹ bài giảng, không chuẩn bị đủ các tư liệu, tài liệu, không có kỹ năng trình chiếu và thuyết trình sẽ không thu hút được học sinh vào bài giảng. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều thời gian và chất xám để xây dựng bài giảng. Bài giảng sinh động, nội dung kiến thức gắn với thực tiễn cuộc sống sẽ kích thích được học sinh, tạo được sự tương tác mạnh, phát huy được tính tích cực của người học. Tránh tình trạng giáo viên thực hiện bài giảng một chiều, học sinh tiếp thu một cách thụ động, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Để khắc phục được những khó khăn khi triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp sau:

  • Đối với người học: yêu cầu học sinh phải thực hiện nghiêm túc nội quy lớp học trực tuyến, tích cực và chủ động hơn trong việc tự nghiên cứu bài học từ sách giáo khoa, các nguồn học liệu,... theo hướng dẫn của giáo viên.
  • Đối với giáo viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mỗi bài giảng, có biện pháp khắc phục khó khăn, có phương án sử dụng các trang thiết bị hiện đại, triển khai có hiệu quả mỗi giờ dạy nhằm thu hút, kích thích sự chú ý của học sinh, phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình học tập.
  • Đối với phụ huynh, cần thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích con em tham gia vào quá trình học tập; giữ mối liên lạc với giáo viên nhất là giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt kịp thời những thông tin về học sinh, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh để con em thực hiện nghiêm túc việc học tập. Tạo điều kiện về trang thiết bị phục vụ tốt cho việc học trực tuyến.
  • Đối với nhà mạng, cần có các giải pháp nâng dung lượng đường truyền internet, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh có kết nối ổn định, giúp cho mỗi giáo viên hoàn thành bài giảng một cách trọn vẹn.
  • Đối với công tác quản lý, cần tăng cường các biện pháp quản lý về chuyên môn, xây dựng các giải pháp ứng dụng CNTT trong dạy học trực tuyến, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của giáo viên và học sinh trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học; có biện pháp khuyến khích, động viên; giúp đỡ, tư vấn, khắc phục những hạn chế nhằm quản lý tốt hoạt động dạy học trực tuyến.

                                                                                                                       - Giáo viên: Khuất Thanh -